Thái tử phi Phổ quốc Viktoria,_Hoàng_hậu_Đức

Những khó khắn mới

Ngày 2 tháng 1 năm 1861, Nhà vua Friedrich Wilhelm IV không có con nối, Hoàng thái đệ (nhiếp chính từ 1858), lên kế thừa hoàng vị, xưng là Vua Wilhelm I. Friedrich được tấn phong làm Hoàng thái tử nhưng vị thế của ông trong triều cũng không được nâng lên bao nhiêu: phụ hoàng của ông từ chối tăng tiền phụ cấp, và Thái tử phi Viktoria vẫn tiếp tục dùng đến trợ cấp riêng của mình để trang trải cho cuộc sống gia đình. Trong một bức thư gửi cho Nam tước Storkmar, Hoàng phu Albert đã phàn nàn về việc này:

Theo ta, rõ ràng là có một người nào không vừa ý với sự độc lập tài chính của con gái ta ... [Cô ấy] không nhận được một đồng pfennig từ phía Phổ, mà còn bị phỉ báng, lại phải dùng tiền hồi môn, những việc đó đáng lẽ không nên có. Nếu họ từ chối cấp tiền cho vị Thái tử nghèo vì anh ta có một "cô vợ giàu", rõ ràng họ muốn làm cô ấy nghèo đi.[50]

Ngoài các hạn chế về tài chính, Friedrich và Viktoria cũng gặp nhiều vấn đề khác. Là Hoàng thái tử, Friedrich không được phép rời khỏi Phổ quốc nếu không được Nhà vua cho phép. Có tin đồn rằng điều luật này là nhằm hạn chế Viktoria đến thăm nhà mẹ.[51] Cho đến khi lên ngôi, Vua Wilhelm I nhận được bức thư từ hoàng thân Albert trong đó ông ngầm hỏi rằng hiến pháp Phổ có là một hình mẫu cho các thành bang ở Đức. Tuy nhiên, lá thư này đã làm tăng sự oán giận của vua đối với Albert, Friedrich và Viktoria, họ đều mang tư tưởng tự do.[52][53]

Tang cha và khủng hoảng chính trị

Thái tử phi nước Phổ cùng các em gái đang khóc tang cho phụ thân, tháng 3 1862.

Ngày 14 tháng 12 năm 1861, Hoàng phu Albert chết vì bệnh thương hàn. Vì rất thân thiết với cha, Viktoria thực sự kinh hoàng bởi tin tức này. Bà cùng chồng đến nước Anh dự đám tang.[54]

Không lâu sau sự kiện đó, Friedrich và Viktoria, vẫn trong thời gian để tang, phải đối diện với cuộc khủng hoảng chính trị đầu tiên dưới thời Wilhelm I mà không có chuẩn bị từ trước[55]. Nghị viện phủ từ chối trao tiền cho nhà vua khi ông có kế hoạch cải tổ quân đội. Wilhelm I cho rằng cải cách quân đội có tầm quan trọng rất lớn và quyết định giải tán Nghị viện vào ngày 11 tháng 3 năm 1862, dẫn đến khủng hoảng hiến pháp.[lower-alpha 2] Ở đỉnh cao xung đột giữa vương quyền và Nghị viện (Landtag), nhà vua đe dọa thoái vị để gây sức ép.[56]

Viktoria cố gắng thuyết phục chồng cứ để mặc cho nhà vua thoái vị.[56] Tuy nhiên, thái tử không đồng ý và ủng hộ phụ thân, cho rằng cha ông sẽ đứng vững trước phe Nghị viện. Đối với Friedrich, vị quốc vương thoái vị sau tranh chấp với Nghị viện sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm và làm suy yếu địa vị của người kế vị. Thái tử cũng nghĩ rằng nếu ông ủng hộ vua thoái vị thì không đúng với nghĩa vụ của một người con trai đối với cha.[56][57][58]

Cuối cùng, Wilhelm I chọn cách không thoái vị và bổ dụng Bá tước Otto von Bismarck làm Thủ tướng vào ngày 22 tháng 9. Ông ta lãnh đạo của Đảng Bảo thủ, thâu tóm quyền lực với tư tưởng chuyên chế không quan tâm tới đa số nghị viện. Nhà vua hài lòng với tình hình này, nhưng vợ ông, Hoàng hậu Auguste, cùng con trai và con dâu những người mang tư tưởng tự do, đã chỉ trích quyết liệt.[59][60] Tuy nhiên, Bismarck vẫn là người đứng đầu chính phủ Phổ và sau đó là chính phủ Đức cho đến năm 1890 và góp phần lớn làm cô lập vợ chồng thái tử.[59]

Ngày càng bị cô lập

Sau sự kiện khủng hoảng hiến pháp, căng thẳng giữa phe Tự do và Bảo thủ ở Berlin lên tới đỉnh điểm. Vợ chồng Thái tử bị nghi ngờ là đứng đằng sau phe Tự do chống lại nhà vua, nên bị chỉ trích dữ đội. Khi họ ngồi trên du thuyền của Nữ hoàng Victoria để đến công du Địa Trung Hải vào tháng 10 năm 1862, phe Bảo thủ cáo buộc Friedrich bỏ rơi phụ thân trong đỉnh điểm khủng hoảng chính trị. Họ nhấn mạnh rằng thái tử đã ngồi trên tàu chiến của người Anh.[61][62]

Sau khi triều đình Anh công bố về hôn sự giữa em trai Viktoria là Hoàng tử xứ Wales và Công chúa Alexandra của Đan Mạch, con gái của Nhà vua Christian IX của Đan Mạch, nước kình địch với Phổ,[lower-alpha 3] Địa vị của Victoria trong triều đình Berlin vì thế càng xuống dốc. Công chúng Đức cho rằng Thái tử phi ngầm xúc tiến cho cuộc việc liên minh Đan Mạch với Vương quốc Anh.[63]

Viktoria, Thái tử phi của Phổ. Họa phẩm của Albert Gräfle, 1863.

Friedrich đã gây ra một vụ lộn xộn sau khi công khai chỉ trích chính sách của phụ hoàng cùng Bismarck. Trong chuyến thăm chính thức đến Gdańsk, Thái tử công khai phản đối sự kiện vào ngày 1 tháng 6 năm 1863, Thủ tướng hạ lệnh cấm xuất bản một tờ báo mà ông ta cho là có nội dung phản động,[64] Tức giận với bài phát biểu của cậu quý tử, Wilhelm I khiển trách anh ta nặng nề và đe dọa cách cách tuột hết mọi chức vụ quân sự và thậm chí phế truất Friedrich khỏi ngôi Thái tử. Phe Bảo thủ gây áp lực khắp triều, họ đòi hỏi có hình phạt chính đáng, và một số người hùa theo yêu cầu của Hoàng đệ Karl cùng tướng Edwin von Manteuffel, rằng Friedrich nên bị đưa ra xét xử tại tòa án.[65][66][67]

Đương nhiên, Viktoria không tránh khỏi những chỉ trích của phe Bảo thủ. Trên thực tế, nhiều người đã nghi ngờ bà đứng đằng sau những lời phát biểu của chồng ở Gdańsk.[64][68] Tuy bị phê phán ở Đức, nhưng hành vi này rất được phía Anh ca ngợi. The Times viết:

"Thật khó có thể tưởng tượng được vai trò đầy thách thức của Thái tử và vợ ông, họ không có cố vấn, ở trong một hoàng tộc hèn nhát, nội các bất đồng và sự phẫn nộ của dân chúng."[69]

Việc báo chí Anh ủng hộ cặp đôi gây ra một số vấn đề mới cho Friedrich và Victoria. Báo chí đăng tải thông tin bí mật của triều đình Phổ mà Vicky đã tiết lộ ra. Nhà chức trách mở một cuộc điều tra, và vì áp lực, Thư kí riêng của Victoria, Nam tước von Stockmar, phải từ chức.[70]

Chiến tranh Phổ - Đan Mạch

Hai công quốc Schleswig, Holstein và Lauenburg năm 1864.

Trên trường quốc tế, Thủ tướng Bismarck có kế hoạch thống nhất Đức dưới sự thống trị của người Phổ. Kế hoạch của ông ta là loại bỏ ảnh hưởng của Áo lên các thành bang Đức và thiết lập quyền chúa tể của người Phổ. Để bắt đầu thực hiện kế hoạch, Bismarck tiến hành Chiến tranh Schleswig lần thứ hai chống Đan Mạch năm 1864. Tuy nhiên, lần này Thủ tướng lại lập liên quân với Áo.[71]

Mặc dù có quan hệ thông gia với phía Copenhagen, chính phủ Anh từ chối tham dự vào cuộc chiến giữa ĐứcĐan Mạch. Điều này có tầm quan trọng nhất định đối với hoàng gia, đang bị chia rẽ sâu sắc.[72] Ngoài ra, ở Berlin nhiều người nghi ngờ Viktoria không vui khi quân Phổ chiến thắng trước đất nước của cô em dâu Alexandra.[73]

Bất chấp những lời chỉ trích và ngờ vực, Vicky ủng hộ quân Đức. Theo dẫn chứng của Florence Nightingale, người đã giúp cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế của binh lính Anh trong Chiến tranh Crimean, Thái tử phi đã trợ giúp, hỗ trợ cho những thương binh. Trong ngày sinh thần của Wilhelm I, Viktoria, cùng với chồng, lập ra một quỹ xã hội để quyên góp cho những quân sĩ thiệt mạng hoặc bị thương.[74]

Trong cuộc chiến, Friedrich có tham chiến dưới trướng của Tướng quân Friedrich von Wrangel. Ông thể hiện lòng dũng cảm của mình trong Trận Dybbøl (7–18 tháng 4, 1864), quyết định chiến thắng của liên quân Áo-Phổ trước người Đan Mạch.[75] Vui mừng trước chiến thắng của người Đức, Viktoria hi vọng thành của chồng sẽ khiến mọi người hiểu rằng bà là vợ của người kế vị. Trong bức thư gửi Friedrich, bà phàn nàn về những lời chỉ trích liên tục ở Phổ coi bà quá thân Anh và người Anh cũng cho bà quá thân Phổ.[76]

Sau khi chiến thắng Đan Mạch, Hiệp ước Vienna (kí ngày 30 tháng 10 năm 1864), quy định rằng Các công quốc Schleswig, HolsteinLauenburg được hai nước Áo - Phổ chia nhau. Tuy nhiên, sự phân chia không đồng đều dẫn đến xung đột giữa Vienna và Berlin.[71]

Chiến tranh Áo - Phổ

Sau chiến tranh Schleswig, Đức trải qua một thời kì hòa bình ngắn ngủi. Theo Công ước Gastein, được hai phía Áo-Phổ kí ngày 14 tháng 8 năm 1865, đặt các tỉnh cũ của Đan Mạch dưới sự kiểm soát của cả hai nước. Tuy nhiên, mâu thuẫn về việc chia đất nhanh chóng dẫn đến mâu thuẫn giữa hai cựu đồng minh. Ngày 9 tháng 6 năm 1866, Phổ chiếm Holstein, vốn do Áo quản lý. Trong khi đó, Vienna đề xuất trước Quốc hội Frankfurt vận động các thành bang cùng kháng Phổ, sự kiện diễn ra vào ngày 14 tháng 6.[77]

Lấy cớ Áo tự ý động binh, Phổ tuyên bố giải thể Liên bang Đức và xua quân xâm chiếm Saxon, HanoverHesse-Kassel, mở ra cái gọi là Chiến tranh Áo-Phổ. Trong trận Königgrätz (3 tháng 7, 1866), có sự tham gia của Thái tử Friedrich, Áo thất bại nặng nề và buộc phải đầu hàng. Cuối cùng, với Hòa nghị Prague (23 tháng 8, 1866), Áo rút khỏi Liên minh Đức. Schleswig-Holstein, Hanover, Hesse-Kassel, và Công quốc Nassau cùng Thành phố Frankfurt sáp nhập vào Phổ.[78]

Không lâu sau chiến thắng của Phổ tại Königgrätz, Bismarck yêu cầu Quốc hội chi một số tiền đáng kể cho quân đội, gây ra một cuộc tranh cãi giữa các nghị sĩ.[79] Friedrich ủng hộ sự thành lập Liên bang Bắc Đức, gồm Phổ và một số thành bang Đức khác, vì ông thấy rằng đó là bước đầu tiên hướng tới thống nhất nước Đức. Tuy nhiên, Liên bang không chấp nhận những ý tưởng tự do của Thái tử. Mặc dù do dân bầu, Reichstag không có quyền hạn như Nghị viện. Ngoài ra, các lãnh chúa địa phương quan tâm đến việc duy trì quyền lực của họ, và hiến pháp mới của Đức đã trao nhiều quyền lực cho Thủ tướng Bismarck.[80] Không hăng hái như chồng, Viktoria nhận thấy Liên bang Bắc Đức như một sự mở rộng hệ thống chính trị của Phổ mà bà ghét.[lower-alpha 4] Tuy nhiên, bà vẫn hy vọng rằng tình trạng này là tạm thời và rằng một nước Đức đoàn kết và tự do sẽ là hiện thực trong tương lai.[81][82]

Cuộc sống gia đình

Viktoria năm 1867. Họa phẩm của Franz Xaver WinterhalterVictoria - Thái tử phi của Phổ, chụp vào những năm 1860

Giữa lúc chiến tranh Áo - Phổ, Viktoria và Friedrich nhận được mấy tin buồn. Sigismund, đứa con thứ tư, bị viêm màng não mà chết khi 21 tháng tuổi ngày 18 tháng 6 năm 1866, chỉ mấy ngày trước Trận Königgrätz. Bi kịch khiến Thái tử phi đau buồn, và bà cũng không nhận được sự thông cảm từ cả mẹ đẻ lẫn mẹ chồng. Hoàng hậu Augusta yêu cầu con dâu nhanh chóng thực hiện những nhiệm vụ của mình thay vì ngồi khóc một mình. Nữ hoàng Victoria, vẫn đang sống ẩn dật sau cái chết của Hoàng thân Albert, không hiểu được cảm xúc của con gái và cho rằng mất con không đáng kể gì so với mất chồng.[83]Sau khi hòa bình lập lại ở Đức, Hoàng thái tử liên tục được cử đi sứ các nước. Trong những chuyến đi đó, Viktoria hiếm khi đi theo chồng do khó khăn tài chính buộc họ phải tiết kiệm chi tiêu đến mức tối thiểu.[84] Mặt khác, Thái tử phi không muốn xa các con quá lâu. Sau khi Sigismund chết, vợ chồng bà tiếp tục có thêm 4 đứa con khác từ 1866 đến 1872. Trong khi các con lớn Wilhelm, CharlotteHenrich) lần lượt phải qiao cho chính phủ nuôi dưỡng, các con nhỏ (Sigismund, Viktoria, Waldemar, SophieMargarethe) được đích thân Viktoria nuôi lớn.[85]

Ở Berlin, những khó khăn vẫn liên tục đến với Viktoria, và quan hệ giữa bà với Hoàng hậu Augusta, người cũng mang tư tưởng tự do, vẫn căng thẳng. Bất kì hành động nào của Thái tử phi cũng trở thành cái cớ khiến mẹ chồng chỉ trích, ví dụ như khi bà chọn dùng xe bốn bánh hai mui thay vì xe ngựa bốn bánh theo truyền thống. Mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ lên tới đỉnh điểm khiến Nữ hoàng Victoria buộc phải đứng ra viết thư cho Wilhelm I để bênh vực con mình.[86]

Chiến tranh Pháp - Phổ

Ngày 19 tháng 7 năm 1870 nổ ra Chiến tranh Pháp - Phổ; kết quả cuộc chiến này là sự chấm dứt của Đệ nhị Đế chế. Cũng giống như các cuộc chiến trước với Đan MạchÁo, Friedrich tham gia tích cực vào chiến tranh chống Pháp. Ông được lãnh quyền chỉ huy Tập đoàn quân số 3, gồm các đơn vị quân đội Phổ và các bang miền Nam Đức, có vai trò quyết định trong các trận chiến ở Wissembourg (4 tháng 8 năm 1870) và Wörth (6 tháng 8 năm 1870), và cũng có đóng góp lớn trong Trận Sedan (1 tháng 9 năm 1870) khi quân Phổ lập vòng vây Paris. Ghen tức với những thành tích quân sự của thái tử, Bismarck tìm cách làm suy yếu uy tín của Friedrich. Thủ tướng lấy cớ sự xuất hiện của quân đoàn số 3 ở Paris là Thái tử đang cố gắng bảo vệ Pháp dưới áp lực của mẹ và vợ ông. Trong một bữa ăn dạ tiệc chính thức, Bismarck đã buộc tội Hoàng hậu và Thái tử phi, sự việc báo chí đã sớm biết đến.[87]

Sự quan tấm của Viktoria dành cho những người lính bị thương không có ảnh hưởng lớn đến ngôn luận Đức. Ở Hamburg Thái tử phi cho xây bệnh viện Quân đội, dùng nhiều tiền bạc để hỗ trợ nó, và còn thường thăm viếng những thương binh ở Wiesbaden, Biberach, Bingen, Bingerbrück, Rüdesheim and Mainz. Tuy nhiên, Viktoria bị cáo buộc làm những việc này "lạm quyền", những việc quyên góp như vậy đáng lẽ do Hoàng hậu làm. Cuối cùng Wilhelm I yêu cầu bà chấm dứt "vở kịch bố thí" và về Berlin để hoàn thành nghĩa vụ với hoàng gia.[87]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Viktoria,_Hoàng_hậu_Đức http://bivouac.com/MtnPg.asp?MtnId=909 http://qvj.chadwyck.com/marketing.do http://books.google.com/?id=hF11AAAACAAJ http://www.imdb.com/character/ch0109383 http://www.imdb.com/name/nm0447555/ http://hansard.millbanksystems.com/lords/1901/aug/... http://www.ph-rose-gardens.com/99940.htm http://users.uniserve.com/~canyon/christenings.htm... http://www.unofficialroyalty.com/victoria-princess... http://archive.wikiwix.com/cache/?url=http://geona...